1. Giới thiệu loài hoa vạn thọ quen thuộc
Chi Cúc vạn thọ (danh pháp khoa học: Tagetes) là một chi của khoảng 60 loài cây thân thảo một năm và lâu năm trong họ Cúc (Asteraceae). Chúng có nguồn gốc tại khu vực kéo dài từ tây nam Hoa Kỳ qua Mexico và về phía nam tới khắp Nam Mỹ.
Chúng được biết đến với tên gọi chung là cúc vạn thọ (không nhầm với chi Cosmos), hay cúc vạn thọ Mexico(cempasúchil), cúc vạn thọ châu Phi (thường được dùng để chỉ các giống và cây lai ghép của T. erecta, mặc dù loài này không phải là cây bản địa của châu Phi), hay cúc vạn thọ Pháp (thường được dùng để chỉ các giống và cây lai ghép của T. patula, phần nhiều trong số đó được phát triển tại Pháp mặc dù loài này không phải là cây bản địa của quốc gia này). Có ít nhất một loài là cỏ dại đã hợp thủy thổ của châu Phi, Hawaii và Australia. Tại Việt Nam, cúc vạn thọ được trồng chủ yếu là các giống của T.patula.

Các loài khác nhau có kích thước cao từ 0,05-2,2 m. Chúng có các lá lông chim màu xanh lục với hoa từ trắng, vàng kim, da cam, vàng tới gần như đỏ, đường kính khoảng 0,1 tới 4–6 cm, nói chung với cả các chiếc hoa tia và đĩa chiếc hoa.
Tán lá của cúc vạn thọ có mùi thơm như xạ và hăng, mặc dù các giống, thứ sau này đã được tạo ra là không có mùi. Người ta cho rằng làm như thế để ngăn cản một số côn trùng (mặc dù người ta đã ghi nhận thấy chúng vẫn bị một sốấu trùng của các loài cánh vẩy phá hại, như Melanchra persicariae) cùng các loài giun tròn phá hại. Tagetes vì thế thường được sử dụng trong vai trò của cây đồng hành. T. minuta, có nguồn gốc Nam Mỹ, đã được sử dụng làm một trong những nguồn tinh dầu, gọi là dầu cúc vạn thọ, trong công nghiệp sản xuất nước hoa cũng như làm chất tạo hương vị cho công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm và thuốc lá tại Nam Phi, nơi mà loài này cũng là hữu ích trong việc cải tạo đất bỏ hoang. Một vài loài lâu năm có sức kháng cự chống lại hươu, nai, thỏ, lợn cỏ pêcari và động vật gặm nhấm.
Cúc vạn thọ (gọi tắt là vạn thọ) ở miền Nam Việt Nam
Vạn thọ có thời gian giữ bông nở kéo dài khá lâu, ngay cả khi thân và lá đã tàn, nên người Việt từ xưa đã chọn loại cây này để dâng cúng.
Cúc vạn thọ được thu thập từ hoang dã cũng như canh tác trồng trọt cho mục đích y học, nghi lễ và trang trí. Loài cây này nhân giống rất dễ dàng bằng cách gieo hạt, phát triễn nhanh, thời gian thu hoạch ngắn. Nó được trồng rộng rãi như một loài cây cảnh thương mại.
Cúc vạn thọ mang ý nghĩa của sự đau buồn, nổi thất vọng, lòng ghen ghét. Ngoài ra nó còn tượng trung cho sự trường tồn vĩnh cửu. Trong tiếng Hy lạp cổ, tên của nó có nghĩa là “bông hoa của người chết” vì thế nó được sử dụng trong tín ngưỡng, để trang trí trên bàn thở và trồng trong các nghĩa trang, lăng mộ.
Bên cạnh đó, ở Trung Mỹ, cúc vạn thọ dùng để rửa xác chết. Ở Mexico và nhiều nước phương Tây, loài hoa này tượng trưng cho ngày tôn vinh người chết (Day of the Dead) thường diễn ra vào ngày 2 tháng 11 hằng năm. Trong tiếng Thái, cúc vạn thọ có nghĩa là “ngôi sao lấp lánh”. Đây là loài hoa biểu tượng của Mmbai (Thái lan).
Ta thường thấy vào dịp tết, mọi nhà thường có những chậu cúc vạn thọ để trang trí ngôi nhà của mình

Công dụng của hoa Cúc vạn thọ
Trong y học
– Y học cổ truyền: Cúc vạn thọ được khuyến cáo có công dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh tiêu hóa như đau dạ dày, tiêu chảy, đau bụng, làm mát dạ dày, gan, mật, trị nôn mửa, kiểm soát ký sinh trùng trong ruột (V. giun) và chữa chứng đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra nó còn là một vị thuốc chữa đau răng ở trẻ em.
– Y học hiện đại: Ngày nay, cúc vạn thọ sử dụng để trích xuất lutein, một chất chống oxy hóa. Nó có công dụng cải thiện thị giác, chữa trị các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh sợ ánh sáng…
Trong nông nghiệp
– Trong trồng trọt: Cúc vạn thọ được sử dụng để đẩy lùi giun tròn, nó có hiệu quả nhất chống lại các loài tuyến trùng Pratylenchus penetrans gây bệnh cho cây trồng. Trong các tài liệu của Thái Lan đã chứng minh được cúc vạn thọ có khả năng hấp thụ thạch tính (asen) tích lũy khoảng 41% trong lá, đây là loài có thể cải thiện đất ô nhiễm bởi chất trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Cúc vạn thọ chứa α-Tertienyl là một trong những thành phần quan trọng của hoạt tính sinh học giúp cải thiện đất.
– Trong chăn nuôi: Nó được sử dụng làm thực phẩm cho gà, giúp tăng lòng đỏ trứng và màu sắc của vỏ tươi sáng, đậm hơn.
Trong công nghiệp thực phẩm
– Tinh đầu hoa cúc vạn thọ màu vàng/màu cam là màu thực phẩm phổ biến(E161b). Nó được chấp thuận cho sử dụng ở các nước châu Á trong khối EU, Úc và New Zealand. Tuy nhiên bị cấm ở Mỹ.
– Màu sắc vàng ngô trong các món ăn Ấn độ chính là màu sắc phụ gia được chiết xuất từ cúc vạn thọ. Tại Campuchia, lá non của cúc vạn thọ đươc sử dụng như một loại rau gia vị.

2. Cách trồng và chăm sóc hoa cúc vạn thọ
2.1 Thời vụ: Có thể trồng hoa vạn thọ quanh năm, nhưng vụ chính là vào dịp Tết Nguyên đán. Đối với vạn thọ lùn thì gieo trồng trễ nhất là vào 5/11 (âm lịch), vạn thọ cao thì gieo trồng trễ nhất là 25/10 (âm lịch).
– Hạt giống: liên hệ hạt giống nhập khẩu f1.com , nơi cung cấp hạt giống nhập khẩu từ Nga, uy tín, chất lượng với nhiều giống hoa vạn thọ dễ trồng, dễ chăm sóc.
đất trồng: Đất gieo hạt phải tơi xốp, nhuyễn thoát nước nhanh và để rễ phát triển tốt, đất phải sạch để tránh gây bệnh cho cây con. Hỗn hợp đất gồm 3 phần, tro trấu phải xả nước nhiều lần để giảm độ mặn, đất cát hoặc đất gò mối hay xơ dừa và phân chuồng ủ hoai. Hỗn hợp trên trộn theo tỷ lệ 10:4:1.

2.2 Gieo hạt:
Có thể dùng túi nilon, bằng lá chuối hay bầu giấy kích thước bầu 6cm x 8cm, bầu được đặt cách mặt đất 20-25cm. Giàn đỡ bầu phải có kẽ hở để thoát nước tốt. Sau khi chuẩn bị bầu xong, cho gieo hạt vào bầu và tưới nước cho ẩm, sau 3-5 ngày hạt sẽ nảy mầm hết, giai đoạn này cần che nắng cho cây con. Sau 5 ngày thì bắt đầu nhấc giàn che cho cây con phát triển, sáng nhấc giàn che ra đến 10h đậy lại. Sau 10 ngày thì nhấc giàn che hoàn toàn để cây phát triển tốt. Trong giai đoạn này chú ý khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xay xát cây con.
2.3 Cấy cây con ra giỏ
Sau 15-17 ngày sau gieo thì cấy cây con ra giỏ, đối với vạn thọ lửa thuộc giống hoa vạn tho lùn thì giỏ trồng có đường kính 20-25 cm, dùng túi nilon có đường kính thích hợp lót trong giỏ, chú ý là nhớ cắt đáy để thoát nước. Đất trồng trong giỏ được trộn như sau: 300kg đất cát pha thịt + 300 kg phân chuồng hoai nhuyễn + 10 kg bánh dầu xay nhuyễn, tỷ lệ trên dùng cho 1000 giỏ trồng, chú ý giỏ chỉ vô đất khoảng ½ giỏ, phần còn lại khi bón thúc sẽ đầy.
Sau khi chuẩn bị giỏ trồng xong, tiến hành trồng cây con vào, chú ý chỉ lấp đất tới cặp lá mầm và trồng vào buổi chiều mát. Trong 3 ngày đầu chỉ tưới phun sương trước khi trời nắng gắt để cây chịu đựng tốt. Sau đó tưới mỗi ngày 3 lần vào sáng sớm (tưới nhiều), 10h sáng tưới lần 2 và 16h chiều tưới lần 3 (2 lần sau tưới ít, vừa đủ). Nếu gặp trời mưa hoặc thấy nhiều nước cần phải xới xáo cho đất trong giỏ thoáng và thoát nước nhanh.

2.4 Chăm sóc
– Bón phân
Bánh dầu rất tốt cho hoa vạn thọ nên được sử dụng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, dùng 1 thùng nước 50 lít ngâm với 10 kg bánh dầu (nên ngâm sớm trước lúc gieo trồng 10 ngày để phân hủy bánh dầu tốt).
– 10 ngày sau gieo nên tưới phân lần đầu, nồng độ tưới thấp hơn bình thường, pha 400 lít nước với 5 lít nước bánh dầu và 200 gram phân NPK 16:16:8 tưới cho 1.000 giỏ, sau đó cứ 10 ngày thì tưới phân 1 lần, những lần sau tăng lượng nước bánh dầu lên 6 lít.
– Bón thúc 10 ngày sau khi trồng ra giỏ bón thúc lần đầu tỷ lệ bón như sau: 100kg tro trấu + 100kg phân chuồng khô hoai +10 kg bánh dầu nhuyễn, sau đó cứ 7 ngày bón 1 lần, tổng cộng bón 4 lần cho vạn thọ đến ngày nở hoa, ở lần bón 2,3 thì tăng lượng bánh dầu lên 11-12kg. Lần 4 thì bằng lần đầu.
– Cơi ngọn
– Khi cây được 35 ngày tuổi đã có 6-7 cặp lá, đồng thời các chồi nách ở lá 1,2,3 cũng vươn lên theo. Nên bấm đọt vào giai đoạn này để cây không vượt quá mức và giúp các chồi nách phát triển để tạo bông sau này sẽ đều mặt và đẹp, chỉ nên chừa 5-6 cặp chồi nách sẽ tốt hơn. (Lưu ý là đối với vạn thọ cao bấm đọt trễ nhất là 5/12 âm lịch và vạn thọ lùn là 10/12 âm lịch).
– Khi cây được 45 ngày tuổi thì tất cả các ngọn đã có nụ, hãy tỉa bỏ tất cả các chồi nhỏ trong các nhánh chỉ chừa 1 bông chính thì hoa mới lớn và đẹp. Ở giai đoạn hoa bắt đầu nở thì lượng phân bón và thuốc giảm tránh để lạm phân và thuốc làm cho cây chết héo, hoa nở không lớn và không vun tròn.
2.5 Kỹ thuật xử lý ra hoa
Nếu hoa có khả năng nở sớm hơn dự định, cần hãm tốc độ nở hoa bằng cách tưới thêm phân urê theo tỷ lệ 10gram/ 10 lít nước để tưới, tưới ngày 2 lần (sáng, chiều) để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây, công việc này thực hiện lúc cây 50 ngày tuổi.
Nếu thấy hoa có khả năng nở muộn hơn dự định thì có thể xử lý bằng cách ngưng tưới nước 1-2 ngày để cây có triệu chứng thiếu nước nặng, khi lá vừa héo rũ thì nên tưới nước lại vừa đủ ướt đất trong giỏ, những ngày tiếp theo tưới nước đậm pha với bánh dầu (6lít nước bánh dầu với 400 lít nước) để cây chuyển sang sinh trưởng sinh thực. Có thể sử dụng Nitrat Kali (KNO3) theo nồng độ khuyến cáo để kích thích ra hoa sớm.